mardi 3 décembre 2019

Hương Kiều Loan giới thiệu bộ ảnh Bé Rơm Năm 2019 với slide Show Caroline Thanh Hương và tuỳ bút Rong Chơi Trong Cõi Người Ta.

tt

 Kính mời quý anh chị cùng thưởng thức bộ ảnh Bé Rơm năm 2019 thật đặc sắc với ảnh chụp của Hương Kiều Loan.



Rong Chơi Torng Cõi Người Ta.

(Tùy bút cho bộ ảnh Bé Rơm Năm 2019 của Hương Kiều Loan.)

Chầm chậm qua đi, những tháng ngày vui buồn, buồn vui của một kiếp người.

Bộ ảnh Rơm, con người được tượng hình qua những chú búp bê rơm rạ, dưới tiêu đề của Hương Kiều Loan đã mang sắc thái người nhiều hơn những thứ đồ chơi nhồi rơm vô hồn.

Người ta có thể lên tưởng đến con người ở trần gian xấu xa đầy cạm bẫy buồn phiền của ai đó để trả nợ đời và trả nợ người.

Có ai bảo là cả cuộc đời của bản thân họ chỉ toàn niềm vui cho đến ngày nhắm mắt.



Nếu có thành công thì chắc chắn cũng đã đổi lại với những thất bại.

Nếu chúng ta có một gia đình lớn, trong đó đông đảo có ông bà cha mẹ cô, dì, chú, bác, thì trong bộ ảnh này chỉ là những con ngườiđã bị biến dạng với thời gian.

Họ có những răng chơm chởm hụt hẵng, kém đẹp, nhưng than ôi có ai còn mãi hài hòa như lúc còn tuổi thanh xuân.



Và khi cuộc đời tặng  cho chúng ta những niềm vui nhỏ bé là chúng ta tìm được cho chính mình một chút gì của người nào đó gần gủi, thân thiện và chia sẻ với chúng ta những năm tháng dài như con nước.

Khi vui hay buồn, chúng ta cũng có thể say, không vì men rượu mà vì niềm hạnh phúc khi còn có nhau.


Khi chúng ta tìm được một người đó có cùng cảm nghĩ, có cùng chút tâm tình nhân sinh quan như mình trong thế gian đầy Tham Sân Si, thì quả là hạnh phúc tuyệt vời, có đúng không các anh chị?

Cái chúng ta có, hay chúng ta mất đi, chỉ là định luật của thời gian, không ai có thể làm gì để thay đổi được quá khứ và tương lai.

Vậy thì cứ thản nhiên mà sống, mà vui khi đất trời say nắng Xuân Hạ và trân quý khi những mùa thiếu mặt trời khi vào Thu Đông.

Nhìn cái đẹp qua con mắt trần gian, sống gửi thác về và nhìn Tý điệu Hoàng Dung vô cùng nhí nhảnh dễ thương như thời còn bé trong bộ ảnh này mà thấy « Dòng Đời Là Con Sông Vắng ».

Có ai đã được cô chủ Tý Điệu Hoàng Dung nhắc đến bao giờ chưa?

Ai đã bị chị Hoàng Cái Bang mắng mỏ đến phải đi làm ma xó?

 Mời xem những bộ ảnh ma ngày Hallowen để thấy chân dung của họ.


Đẹp, Xấu, Vui, Buồn, tất cả đều được diển tả qua tâm tư của Bé Rơm năm 2019 này đây, và HKL đã gom chúng lại trong Slide Show cùng một bản nhạc réo rắc, hy vọng không làm khán thính giả chảy nước mắt cho ngày Thu thiếu bóng mặt trời.

                                                                      Caroline Thanh Hương
                                                                       01 Tháng 12 năm 2019

dimanche 3 novembre 2019

Hương Kiều Loan và Những Ánh Sao Rơi.

Có ai còn nhớ một bài viết về những người thân quen của Hoàng Dung Hương Kiều Loan không?
Kính mời quý anh chị đọc lại một bài đầy niềm thương nhớ về những người đã một thời còn ở trên cõi đời.
Nhân dịp ngày lễ hội người ma, tôi post lại trong Blog này để Còn Một Chút Gì Để Nhớ Để Thương.
Caroline Thanh Hương


Những ánh sao rơi

Hương Kiều Loan






1.
Ngày 27 tháng 12, 2003

Buổi sáng nay và suốt cả chiều qua, chúng tôi cứ phân vân trong quyết định đi tiếp xuống Houston, hay quay trở về KS lại?  “Ông boss” muốn dồn tôi vào quyết định để sau này dễ đổ thừa. Tôi lắc đầu là không có ý kiến: “Anh đi thì em đi, anh về thì em về.” Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp nghỉ Noel 16 ngày là ông ấy chỉ muốn đi TX! Nại cớ những nơi khác sẽ có tuyết khó lái xe. Và nhất định không chịu bay! Vậy thì đi đâu đuợc trong khoảng thời gian đó? Chỉ còn xuống Houston, miền nam nắng ấm, đúng nơi ông ấy muốn, xuống thăm gia đình bà chị ruột và bà dì ruột đã ngoàì 90. còn phần tôi lâu lâu mới đuợc ghé thăm vài người bạn tôi qúy mến ở cùng tỉnh! Năm nay cũng vậy, chuyến đi chơi mùa hè vừa qua, mới tháng bẩy đã gặp bà chị , bà dì rồi. Vậy mà trong dự định lần này thì có đến chín phần mười muốn tiếp tục đi nữa, đi thăm nữa!! Nhưng những cơn ho, những húng hắng của cái cúm đang lảng vảng quanh người, những cơn mệt lả người, đã ngăn chặn đuợc ý định  lái thêm 10 giờ đi tiếp xuống miền Nam. Và thế là chúng tôi trực chỉ quay về nhà. “No place is better than home”, Tôi thấy câu này sao mà đúng với ý tôi bây giờ!

2.
Ngồi trên xe đuợc nửa đuờng về KS, tôi đang nghĩ đến Oanh, vì chúng tôi hay nói chuyện mỗi cuối tuần, cái cell phôn cho đuợc thả giàn đấu láo vào weekend. Bỗng như có thần giao cách cảm, tôi chưa kịp lấy cái phôn ra khỏi ví, thì đã nghe nó reo ầm ĩ ! Và tiếng Oanh vỡ oà trong phôn xen tiếng khóc: "HD ơi, anh Giám mất rồi HD ơi”. Oanh không nói tiếp đuợc nữa và tôi chỉ nghe được tiếng nức nở của người bạn. Tôi cũng lặng người, cái tin đã đến quá đột ngột. Mới nói chuyện với nhau vài ngày qua, Oanh còn nhắc đến ông anh thứ hai này, với nhiều vui tươi.  Oanh cũng còn khoe mới gửi báo ViệtHome tặng anh Giám.  Ðược biết anh ấy đau ốm đã mấy năm nay, nhưng hình như gần đây bệnh đã thuyên giảm nhiều.  Thế mà…. !

Cuối cùng, cố nén tiếng khóc, Oanh nhờ tôi báo tin dùm Oanh đến vài người thân ở Úc. Oanh cho biết ngày mai, gia đình Oanh và gia đình người anh cả cũng sẽ sang CA để lo mọi việc! Tôi hứa sẽ làm, và nghẹn ngào chớp mắt: “Thế là lại một ánh sao băng!”

3.
Tôi nhớ năm 2001, khi bố tôi mất, gia đình người bạn đầu tiên tôi báo tin là cặp Trung-Phán+Bích-Nga, ở Canada.  Ngày đó tôi cũng như Oanh, nói đuợc một câu rồi cũng chỉ còn là nước mắt. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ hay viết về bố, mắt tôi cũng vẫn nhòa đi.  Có lẽ tôi hợp với bố nhất nhà, hợp với bố hơn với mẹ, cũng có thể tôi là con gái út trong  gia đình, và đuợc bố cưng hơn các chị gái. tôi lại biết vẽ giống bố. Lần gặp bố năm 97, tôi vẫn còn hy vọng sẽ có ngày  đuợc gặp lại nữa vì bố tôi còn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Thế rồi, tuổi già như ngọn đèn trước gió!

4.
Tôi nhớ ngày đuợc cô cháu gọi báo tin: “ Ông đã mất rồi cô ơi!” Khi nghe tin, tôi chỉ bật khóc nhỏ vài tiếng, rồi sau đó khóc thật lặng lẽ. Có lẽ đó cũng là một cá tính của tôi, chịu đựng và nuốt những nỗi buồn, niềm đau để tự mình gánh vác lấy, Trên đời này, kể từ mấy năm nay tôi đã không còn ai để chia xẻ tâm sự nữa. Tôi còn lại là tôi với một ốc đảo riêng. Hình như có những hạn xấu đã đến với đời tôi, và nếu tin vào số mạng thì có lẽ đúng, tôi đang nằm trong cái hạn xấu 10 năm của mỗi đời người.  Những ngày chïu đựng những nỗi buồn riêng, không ai chia xẻ đuợc, không ai hiểu, tôi vẫn nhẫn nhịn cho qua một kiếp sống.

5.
Tin bố mất, nhà truờng cho tôi nghỉ cả hai tuần. Tôi làm những công việc hàng ngày ở nhà như đã làm từ bao lâu, tôi không khóc đuợc nữa, nuớc mắt đã chảy thật nhiều cho những đau buồn từ mấy năm qua, đến nay chắc đã cạn. Về nỗi mất mát to lớn này khóc sao cho đủ. Tôi thấy như mình không còn là tôi nữa. Hình như tôi tách rời khỏi tôi? Tôi thấy mình như một cái bóng lặng lẽ quan sát cái xác đi đứng, nói cuời làm việc kia, nó như một hình nộm, tôi nghe nó nói, tôi nghe nó trả lời, tôi thấy nó đi đứng, tôi thấy nó làm việc, nhưng tôi không  đọc đuợc một cảm xúc nào trên khuôn mặt đó. Ha! nó còn sống ư? Sao nó sống làm gì? Tôi nghĩ nó đã chết từ mấy năm nay rồi? Mà chắc nó chết thật rồi, vì bây giờ cái xác đó tuy có cử động, có ăn, có ngủ, có làm việc như một người bình thuờng, nhưng đã không còn là nó, là con người mà tôi đã biết truớc đây! Chỉ đêm về, tôi mới nghe tiếng nó thút thít, và nhìn thấy giòng nuớc mắt nó chảy ướt cả mặt gối, còn ban ngày nó vẫn như một hình nộm.


6.
Ngày mẹ tôi mất, khi đó tôi xa VN đuợc bẩy năm, chưa một lần gặp lại, nhưng tin tức đuợc biết khá thuờng xuyên do người chị thứ hai, chị đã suốt đời hy sinh cho gia đình, và các em, cho bố mẹ, tôi thấy chị là người vác cây thánh giá cho gia đình. Trong những năm  khốn khó khi kẹt lại sau 75, một tay chị may vá làm lụng để nuôi no đủ cả nhà, dùng thêm những lạng vàng bán dần cho tiền chợ, và vào những chuyến vuợt biên cho con trai đều thất bại. May mà gia đình có ngôi nhà ở ngay mặt tiền của con phố, để là nơi buôn bán đồng ra đồng vào. Ban ngày chị vất vả may vá, rồi còn lo cơm nước cho cả nhà, nhất là lo nấu nuớng khéo sao cho bố ăn được ngon miệng, để giữ chút sức khỏe còn lại vì bố cũng kiệt sức bởi lo cho mẹ bệnh hoạn đã bao tháng ngày. Ban đêm chị lại túc trực trong nhà thuơng để chăm chút mẹ già, đút từng thìa súp,thay từng chiếc áo, đổ từng sô nuớc tiểu …chị đã thay các em ở xa làm hết mọi việc. Các em, kẻ thì đi học tập cải tạo, kẻ thì bận kiếm sống với bầy con nhỏ 4, 5 đứa, và tôi thì ở xa quá, không đỡ đuợc gì cho chị ở những vất vả mỗi ngày, ngoài việc chắt bóp gửi quà về để nhà bán, phụ vào tiền mua thuốc men. Tuồi già như cái xe đã cũ, nay hư nơi này mai hư nơi khác. Mẹ nằm liệt ròng rã cả năm, vật vã chiến đấu với cơn đau từng ngày, từng tháng, rồi cái ngày định mệnh phải đến, đã đến. Năm 1982 đó tôi đã khóc đuợc nhiều, niềm đau vơi hơn ngày bố mất sau này, khi mà tiếng khóc đã là những nấc nghẹn của bao nỗi buồn khác chồng chất đè nặng trong tâm. Và rồi suốt bao năm, những kỷ niệm xưa về gia đình vẫn hiện về trong những giấc ngủ, tôi thường nằm mơ thấy mẹ, nhiều giấc mơ đã tới như chuyện thật xẩy ra trong những ngày tôi còn độc thân ở nhà, những dịp giỗ tết, cả nhà vui tiú tít, họ hàng đến thật đông. Bố mẹ tôi đều là vai lớn nhất trong họ, do đấy vào những dịp giỗ bên nội hay bên ngoại là con cháu, chú, bác, cô dì ở mọi nơi đổ về quây quần tụ họp đến cả tuần, trò chuyện suốt đêm. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình hụt hẫng! Tôi hoàn toàn cô đơn ở nơi xứ lạnh lẽo này, không một người thân phiá bên tôi dù là ở xa trên đất Mỹ trong những năm đó. Tôi không có một nơi để nương náu tâm hồn.

7.
Ngày ... tháng ...

Nhớ lại mấy hôm trước anh “Ngoan Ðồng” ở Úc còn email đùa rằng: “…nhờ Hoàng Dung, mà anh đã liên lạc lại được với gia đình người bạn thân quý, một người bạn mà anh hằng tìm kiếm từ bao năm. Ơn cao đức dầy này, anh biết lấy gì đền đáp…” Tôi chưa kịp viết thư  : “Xí “ anh, đúng là Lão Ngoan Ðồng, lúc nào cũng… như vậy! Cái gì mà “ơn cao đức dầy?” nói qúa lời! Ghét! Ghét ….. Thì nay tôi thấy lời anh “ca” có lẽ đúng, anh “Ngoan Ðồng” đã liên lạc đuợc với anh Giám suốt cả tháng trời, hai người đã phôn và email qua lại. Còn gì vui suớng hơn khi ta tìm lại đuợc người bạn tri kỷ của một đời. Có những tình bạn dù cho không bao giờ gặp lại, nhưng sự thân thương, quý mến đã như được khắc sâu vào tâm khảm, để vĩnh viễn nhớ thương về nhau. Tôi đoán tình thân giữa anh và anh Giám cũng giống như tôi với Oanh vậy.  Chúng tôi chơi với nhau ngay từ ngày buớc chân vào Trưng Vương, như những con chim non bỡ ngỡ ở ngưỡng cửa trung học năm đầu, ngôi trường nổi tiếng của thành phố Sàigòn ngày đó với những kỷ luật gắt gao của một ban giám hiệu. Chúng tôi thân nhau ngay từ năm đệ thất, tình bạn keo sơn mỗi ngày một đậm, trong lớp thì ngồi cùng bàn, ra chơi lại đi với nhau, chia nhau từng gói tầm duột chua dấu được trong cặp, chia nhau từng quả xí muội nhỏ, cho nhau muợn đọc những cuốn truyện  hay nếu đứa nào có đuợc, cho nhau xem những tấm hình, mới dành dụm được tiền để đi chụp ở tiệm. Tôi nhớ năm đệ lục, tôi có cái hình mặc aó dài ngồi ở chiếc ghế mây to, bên chậu trồng cây đào lớn, trong tiệm chụp hình Mạnh Ðan, bức hình ngồi ra dáng người lớn ghê lắm, bức hình  làm tôi “già” như học sinh lớp đệ nhị, đệ nhất. Oanh cứ đùa bảo tôi coi giống bà Phán. Mới đây nói chuyện, Oanh nhắc lại, hai đứa cùng cười.  Và cũng nhờ Oanh gửi cho tôi mấy tấm hình thuở học trò ngày xưa mà tôi đã tặng Oanh, nên tôi đuợc nhìn lại hình ảnh tươi đẹp của một thời tuổi hồng ngày cũ. Qua bao biến đổi của thời cuộc, mấy chục năm rồi, Oanh vẫn còn giữ chúng nguyên vẹn để trao tặng lại cho bạn. Trong khi đó, tôi là kẻ chạy từ năm 75, lại không mang đuợc một hình ảnh nào ngày xưa. Những bức hình bạn bè đã cho muợn lại đó, đối với tôi chúng quý hơn tất cả những món quà  nào khác hiện giờ!

8.
Từ tình bạn của tuổi nhỏ, quý mến nhau mà lây đến những người lớn trong gia đình, các anh chị của Oanh đều biết và vẫn nhớ đến tôi. Ngược lại, gia đình bên tôi cũng như vậy, Tôi có mấy người bạn thân, cả nhà cũng biết. Các bạn thân của tôi cũng còn nhớ rõ từng bà chị, và cậu em  trong đại gia đình tôi. Về phía Oanh, tôi vẫn hình dung đuợc chị Yến, chi Giao, anh NL, và nhất là anh Giám, anh chỉ hơn chúng tôi vài tuổi, nhưng anh rất đạo mạo, anh đã ra dáng là ông thầy ngay từ ngày anh đang là sinh viên của trường Ðại Học Sư Phạm. Anh vẫn gọi chúng tôi là cô, mỗi lần lại nhà chơi gặp anh, là anh đều thăm hỏi việc học. Anh thường quan tâm đến việc học của chúng tôi, tiếc là nhà xa, tôi đã chả đuợc anh kèm toán. Tôi và Oanh gần nhau từ đệ thất đến đệ tứ, qua đệ tam thì chia ban. Oanh giỏi toán, chăm học, nên chọn ban B, Tôi thích mơ mộng , sợ toán, chui vào ban C để trú ngụ.


9.
Tôi còn nhớ những lần xin đuợc tiền mẹ, để đi xe lam đến thăm bạn bè dịp hè, leo lên cái xe lam nhét đầy hành khách như nhồi cá hộp. Mỗi băng ghế hai bên ngồi khoảng năm người, bác tài thì lái xe như ma đuổi, đôi khi gặp bác tài nào lái kiểu cao bồi, thì liệng qua liệng lại khiến hành khách như muốn bị văng khỏi ghế ngồi. Cho nên tôi phải một tay giữ ví, và tay kia phải nắm chặt vào cái then sắt dài đuợc gắn dọc ở giữa trần mui xe. Nếu không , mỗi lần bác tài quẹo khúc cua, hay thắng gấp, là tôi dám bị văng xuống sàn xe lắm vì lối chạy xe đặc biệt của mấy bác tài xế này. Hôm nào hành khách toàn là  các bà đi chợ thì còn đỡ khổ, chứ gặp mấy người đi buôn bán, thì chỗ để chân đuợc chia xẻ với những thúng hàng, chân bị ép, tê cứng! Ngoài ra tiếng xe lam nổ đã to còn đuợc hoà âm với đám gà vịt kêu quang quác. Nghe những âm thanh thật nhức đầu. Khi xuống đuợc nơi mình muốn đến thì vạt aó dài đã bị nhầu nát.

10.
 Mùa hè của SàiGòn nắng chói chang, từ chỗ xe lam thả tôi xuống, đi vào được đến nhà Oanh cũng khá xa. Tôi nhớ có mấy lần đi lạc vì mấy dẫy cư xá nhà nào nhà nấy cũng giống nhau, khó mà nhận diện. Khi tìm đuợc đúng nhà Oanh thì vừa khát vừa mệt vì nắng. Oanh pha ly nuớc chanh tuơi cho tôi uống, rồi hai đứa ra cái ghế gỗ dài kê trước hiên nhà rù rì tâm sự. Không hiểu chúng tôi đã nói những chuyện gì ngày đó, nhưng chắc chắn không phải chuyện bồ bịch, bởi vì với sự kiểm soát gắt gao của gia đình và học đuờng, năm đệ tam và đệ nhị, chúng tôi vẫn chưa có bạn trai, mặc dù các chàng CVA hay các sinh viên của mấy phân khoa đại học vẫn ngấm nghé.  Sau này quen biết cũng chỉ là những lần gặp gỡ tại nhà, ngồi nói chuyện có đủ gia đình ngồi gần đó…. nghe ké!


###################

11.
Trong tôi, hình ảnh ngôi nhà Oanh ở trong khu xá Ngã Tư Bảy Hiền vẫn còn hiện rõ, truớc nhà có một cây trứng cá đã già, nhưng vẫn còn đủ sức cho những tàng lá lớn che bóng mát. Vào mùa trái chín, những quả trứng cá đỏ mọng, mùi thơm phức. Khi thấy chúng tôi ngước nhìn chúng một cách ao ước , anh Giám đã chịu khó bắc ghế để hái cho chúng tôi một vốc tay đầy trái. Loại trái cây này để ngửi thì thơm, nhưng nếu ăn thì không thích, cho nên khi có nó, bọn tôi chỉ hít hà ngửi mà thôi.


12.
Một kỷ niệm nữa về anh Giám mà tôi còn nhớ rất rõ, đó là năm đệ tứ, khi hai đứa đậu bằng trung học đệ nhất cấp, anh dù còn là sinh viên, với số tiền học bổng của đại học, anh cũng bớt ra để thưởng cho hai đứa chúng tôi. Oanh bàn là  lấy tiền đi mua vải len, hay vảI dạ để may thêm aó lạnh diện mùa đông sắp tới. Hai đứa rủ nhau may chung kiểu aó và cùng mầu cho vui. Chúng tôi ra chợ Hoà Hưng, lượn tới, lượn lui ở dãy hàng vải đã mấy lượt. Tính tới tính lui, mua len, thì cả hai đều không biết đan, mua hàng nỉ, thì thứ  hàng vải đó chỉ có ba mầu: xanh blue đậm, giống mầu xanh như mầu áo mấy anh thợ máy, rồi mầu đen  Mầu duy nhất còn lại, coi đuợc hơn hai mầu kia là mầu vàng… chanh !!! Thôi thì đành nhắm mắt đưa chân! Thế là giữa mấy anh mù xanh và  đen kia, đành chọn anh chột là mầu vàng này vậy!  Mặc dù tôi vẫn mê mầu vàng hoàng hậu, tức là mầu vàng ngả qua mầu cam chút xíu, nhưng làm sao đuợc. Không biết đan, thì đành mua vải thôi, rồi về nhờ chị tôi biết may, sẽ may dùm cho hai đứa.

Thế là mùa lạnh năm đệ tam đó ở truờng, hai đứa chúng tôi với hai aó lạnh mầu vàng, vàng choé cả một góc sân truờng!  Vì giờ ra chơi nào, hai đứa cũng tìm nhau để đi bách bộ trong sân, khoác tay nhau vừa đi vừa trò chuyện.  Ngày nào như ngày nấy, cứ như cặp bài trùng! Cả truờng chỉ có hai cái áo khoác mầu vàng đặc biệt đó vì “custom made”! Bây giờ nhớ lại vẫn thấy vui và tiếc là sao ngày đó đã không có được một tấm hình chụp hai đứa với cái aó khoác vàng chóe  ấy.

Việc anh Giám đã chia xẻ số tiền học bổng nhỏ nhoi đó của cái thời đi học, đã là một sự hy sinh và lòng quý mến thân tình mà anh đã dành cho em gái, và bạn của em, khiến tôi vẫn nhớ mãi mãi, như một kỷ niệm qúy báu cất giữ ở một góc đời chả bao giờ quên. Bây giờ anh đã ra đi vĩnh viễn, tôi chưa kịp một lần được trò chuyện với anh như anh “Ngoan Ðồng” đã làm, cũng chưa kịp một lần gửi email thăm hỏi. Anh đã “đi” mất rồi, anh đã xa chúng tôi vĩnh viễn…., nhưng những kỷ niệm về anh vẫn còn sống mãi mãi  trong tiềm thức những người yêu quý anh .  Hôm nay anh đã nằm yên dưới lòng đất lạnh? Hay giờ này gia đình và thân nhân còn đang sụt sùi bên quan tài anh trong nhà quàn?

Ðêm nay, là ngày cuối năm, tiếng pháo nổ rền vang trong đêm giao thừa của tết Dương Lịch, hình như tôi nghe đuợc tiếng khóc của bạn mình xen tiếng pháo?  Tôi cũng chợt nhận ra đó là tiếng khóc của chính mình.


Hương Kiều Loan

(Dec 31/2003)

Kim Oanh va Hoang Dung ( hop TV --Texas-March 2005)


Một Chút Ma Vui, ảnh chụp và tiêu ̣đề Hương Kiều Loan.

tt

 Kính gửi quý anh chị bộ ảnh chụp với tiêu đề về mùa Halloween 2019.
Để dễ theo doỉ theo thứ tự bộ hình và nghe nhạc cho thêm cảm giác, mời quý anh chị xem pps đã chuyển thành Youtube.



mardi 16 juillet 2019

Hương Kiều Loan và Đoản Khúc Tháng Sáu.

tt
Đoản Khúc Tháng Sáu
HươngKiềuLoan


P1050924==ÿÿÿÿ

Sáng nay khi tỉnh dậy, nàng đã thấy gần 6 giờ sáng. Nhìn qua khung cửa sổ lớn của căn phòng, trời ẩm đục một mầu sương trắng và buồn. Sương mù trắng xoá cả không gian, sương mù chắn tầm mắt không cho nàng nhìn suốt được tới cuối khu vườn rộng.
Trời đã vào cuối tháng Năm, sắp qua tháng Sáu, nhưng nơi này vẫn còn lạnh, nàng vẫn phảỉ choàng thêm chiếc aó khoác mỏng khi đi ra ngoài. Nàng vẫn thích mặc loại nhung mềm và rủ, ôm lấy thân hình khiến người trông như thanh hơn. Từ ngày xưa, nàng vẫn thích nhung hơn gấm, nàng đã ví vẻ đẹp của loại hàng này coi thật nhu mì, đằm thắm, dù ngay cả với những mầu lộng lẫy nhất, vẫn là cái vẻ đẹp kín đáo, lôi cuốn như những cơn sóng ngầm, khiến người nhìn ngắm không thể rời mắt. Gấm thì như một cô gái đẹp lộng lẫy, mà không duyên, như loài hoa có sắc mà không hương!
Như mọi sáng, nàng vẫn lái xe theo con đuờng thân quen, con đuờng cong chạy dọc theo dòng sông uốn lượn cắt ngang thành phố. Những ngày trời quang đãng, nắng lấp lánh trên mặt sông, nắng sớm soi mình xuống mặt nước lặng sóng như một tấm gương dài khủng lồ uốn lượn. Những con ngỗng trời mầu nâu xám đứng yên trên nuớc, trông xa như những chiếc giầy cũ của Charlo bị ai liệng trên con đường loang loáng nuớc mưa.

Hôm nay trời vẫn ẩm đục, sương mù trắng như sữa, sương mù phủ xuống con sông quạnh vắng buồn bã như tâm hồn nàng lúc này. Có bầy  ngỗng trời vẫn nằm ngủ yên, nhìn giống như những đôi giầy cũ mốc bị bỏ quên.  Người ta không nhìn thấy nước, người ta chỉ nhìn thấy một biển sương trắng mỏng mênh mông. Người ta chỉ nhìn thấy không gian như được bao trùm bằng màn voan mỏng mơ màng như tấm aó thần nữ trong những bức danh họa nổi tiếng xa xưa. Nàng tưởng tượng nếu mình được đi trong vùng sương mù đó, ừ nhỉ, nếu mình....
Nàng đã đi trong biển sương mù từ lâu, nàng đã lạc trong trong đó từ lâu lắm rồi nàng vẫn đi tìm ... .đi tìm ...một cáí bóng ! Một tuyệt đối.
&&&&&&&&&&&&
Nàng nhìn giòng nuớc cuồn cuộn cuốn xoáy chợt nghĩ sao giống như cơn giận dữ của những kẻ mất trí, đã để những nghi kỵ ,thù hận làm biến đổi tâm tính, sự nóng giận giống như cơn thác lũ, xô bạt mọi thứ, làm tan hoang, phá vỡ mọi tốt đẹp xây dựng từ bao năm. Nàng bỗng thấy giận ghét con nước, nhưng khi đứng trên bờ sông lồng lộng gió, nàng lạị tự hỏỉ, tại sao cơn giận tức cuả loài người không giống như con lũ này, hãy để hết giận hờn, thù ghét trôi theo dòng nuớc, trôi hết đi, chảy ra biển khơi, có phảỉ lòng ta thanh thản? Sao người ta không thể làm thế được? Mà lại muốn hành hạ nhau, muốn giết chết nhau vì những lời cay độc? Sao có thể tàn ác như thế?
Nàng lắc đầu thở dài và lẩm bẩm: Nếu nghĩ như ta đang nghĩ bây giờ chắc đã không có phiền muộn, chắc trên đời đã không có chiến tranh, đã không có những tranh chấp, đã không có những án mạng vì ghen tuông, thù hận.
                                         &&&&&&&&&&&&

Mấy hôm nay trời lại mưa, đài khí tuợng trên TV báo sẽ có những cơn mưa dai dẳng và lớn như giông bão. Nàng cũng mong mưa. Mong một tươi mát đến với tâm hồn. Nàng thấy những cơn mưa như gần gụi với mình lắm, như mang lại một kỷ niệm xa xưa nào thân yêu trong quá khứ. Mưa không ướt aó, mưa chỉ làm đẹp thêm những hàng mi cong. Nhưng mưa hôm nay không phảỉ là những cơn mưa bụi, để có thể khoác chiếc aó mưa rộng thùng thình đi dầm dưới mưa như ngày nào... Mưa hôm nay đổ xuống như thác lũ, mưa quật tơi tả những cành cây như sự trừng phạt nào đến từ trời đất, mưa làm các cành lá cây trong vườn oằn hẳn xuống vì sức nặng của nước xối lên chúng một cách tàn nhẫn không nương, dù với hoa với lá.

IMG_0686=3333===
                                                                   ( Ngày mưa tháng Sáu )
                                     %%%%%%%%%%%%

Hôm nay nàng đội mưa ra xe, nàng vẫn muốn một mình lái xe dọc theo con đuờng ven sông. Bên kia giòng sông là một khu công viên lớn chạy dài thi đua với con sông, công viên lớn như một rừng bách thảo. Cơn mưa hôm nay to, cũng ào nước, nhưng không hung bạo như những cơn mưa mấy hôm trước.
Cũng vẫn một giòng sông, con sông chảy quanh thành phố, con sông chia thành phố thành nhiều khu vực. Con sông và những cây cầu. Nàng yêu những cây cầu đủ mọi lối kiến trúc bắc ngang dòng sông rộng, hình như chúng đã gắn liền vào những kỷ niệm của bao năm nàng sống nơi đây.

Nàng dừng xe ở một khúc quanh, và yên lặng ngắm cảnh vật, con đuờng để chạy bộ ven sông bên kia bờ chìm trong màn nước, nàng nhớ đến hai người đã hò hẹn, sẽ có một ngày anh đến nơi này từ bao chuyến bay để chạy bộ với nàng như thói quen c ủa nàng mỗi chiều.
Rồi cùng nhau ngắm con sông chạy dọc ven công viên, anh nói vì  muốn xem con nuớc này ra sao mà nghe nàng nhắc đến rất nhiều lần... như một gắn bó nào trong kỷ niệm của xa xưa, nàng đã tâm sự như thế.

DSCN7411=3333

Có nhiều ngày, nàng bỏ thì giờ nhìn ngắm con sông khi mùa nuớc lên .  Nước mênh mông như nỗi buồn ta trải rộng từ bao kiếp.
Rồi cũng có những ngàỳ nắng lớn, vào mùa nuớc cạn, con sông thiếu nuớc, một nửa bên sông khô nẻ phơi cát trắng như tâm hồn nàng khô nẻ những buồn phiền.
Nàng cũng thường đứng nhìn con sông rộng trơ một nửa là bãi cát, nửa bên kia sông vẫn còn nước. Không hiểu khúc đó sâu bao nhiêu, nàng thắc mắc, đã rất nhiều lần nàng muốn lộị thử xuống, và nghĩ nếu mình có thể đi chân trần qua đuợc bên kia con sông? Nàng muốn lắm, muốn một cuộc thử nghiệm, nhưng...
Nàng thường đứng trên bờ với những ước ao, và dụt dè. muốn thử dẵm chân trên lòng cát nóng vì ánh mặt trời, nhưng nàng vẫn sợ một bất trắc, nửa phần nuớc sông kia có sâu? Nàng không biết bơi. Có thể nàng sẽ bị ngập nuớc, giống như nàng bị chìm sâu trong nỗi buồn hiện giờ trong cuộc sống.
Nàng vẫn ao uớc một cơn mưa dịu mát tâm hồn, ao uớc vẫn là ao uớc. Sẽ có một ngày.. sẽ có một ngày ta sẽ lội xuống, chân trần buớc qua đuợc con sông cạn nuớc, cứ tưởng tượng đến cáí ngày đó, nàng sẽ la lớn: Ta đã vượt đuợc con sông... cạn!
Niềm ao ước vẫn như con sóng trong hồn...và sự dụt dè vẫn làm chân chùn buớc!
===============##################===============
Thế là đã giữa tháng Sáu, tự dưng bây giờ nàng bỗng thấy gần gụi với cái tháng này. Mấy hôm nay trời không mưa như hai tuần trước, đất đã bắt đầu khô, con sông phía sau nhà dường như mực nước đã xuống.  Mỗi chiều, nàng vẫn đứng nhìn bầy ngỗng trời bay lao xao xớn xác gọi nhau họp đàn.

 Tíếng ngỗng kêu thật buồn, nhưng hình như nàng đã quen với âm thanh đó, chúng như gắn liền với những kỷ niệm của căn nhà nàng đang sống.
                                           %%%%%%%%%
 Nàng rất yêu thiên nhiên và thú vật, nàng thường bỏ ra cả giờ ngồi ở patio sau nhà mỗi sáng sớm  để nghe bầy chim sâu ríu rít đập cánh tán tỉnh nhau, giống chim chỉ nhỏ bằng ngón tay cáí, nhưng tiếng hót thật hay, rộn rã reo vui, làm thức tỉnh không gian quạnh vắng. 
Chỉ cần một chú chim hót, là cả khu vườn như bừng thức giấc, vui hẳn lên. Có những ngày nàng ngồi yên chăm chú nhìn cặp chim Dove, bay đi bay về với cái tổ do chúng kết thành bằng những cọng cỏ khô, chúng thay phiên nhau ấp trứng, con đực bay đi kiếm mồi, con cái nằm ấp, chừng vài giờ chúng lại đổi phiên nhau.  Và rồi đến một ngày, nàng thấy trong chiếc tổ chim đó có ba cái đầu xinh xinh há mỏ ríu rít đòi ăn...rồi lại đến một ngày nàng thấy chúng rời tổ, tập bay, con nào con nấy béo ụ, to hơn cả cha mẹ chúng..

IMG_4144=3333=====

Nàng thường nhìn những con chim đủ loại, kiên nhẫn tha từng cọng cỏ khô chui vào những cái tổ xinh xắn do nàng đã mua, đuợc treo trên những cành cây lớn trong vườn. Lũ chim đang làm nệm ấm trong ngôi nhà tý hon ấy, tình yêu đang tràn trong những hình hài bé nhỏ đó, chúng đang líu lo gọi nhau, chắc là những tiếng thân yêu nhất?  Bất giác nàng nghĩ đến mình và giấc mơ của anh ao ước cho một tương lai cuối đời.

P1260783=3333==ÿÿÿy===
103_2156 (=33===
( Người yêu tháng Sáu )

Chiều nay nàng ngồi thật lâu bên hai trang thư viết tay anh gửi tới nàng, nàng cảm thấy như anh gần gụi đâu đây, biết bao nhiêu bức điện thư đã không còn ý nghĩa bằng hai trang giấy này. Biết bao lần nói chuyện qua phôn mỗi ngày. Nàng biết anh đã cố gắng hết sức để có đuợc thời giờ viết tay cho nàng những giòng chữ thân yêu, nhìn nét chữ cuả anh, nàng mỉm cười vì nghĩ chắc chúng giống anh lắm.
 Nàng bỗng nhớ tiếng nói, tiếng cười cuả anh, tiếng nói sang và ấm, anh có giọng nói thật đáng yêu. Hai tuần rồi, nàng đã không nghe tiếng nói đó, nàng đã tự trốn chạy anh.  Hình như nàng đang chạy trốn tất cả những yêu thuơng .
Nàng ngồi im lặng để tâm hồn chìm trong những giòng thuơng yêu cuả anh: "...Em yêu, hôm nay người ta đã khiêng cáí grand piano đến nhà, cái duơng cầm mà anh đã đặt mua từ mấy tháng qua.  Bé bìết không?  để khánh thành, bản nhạc đầu tiên anh đã chọn để tặng em yêu đây, anh nghĩ, bản nhạc này đã nói đúng tâm tư anh nhất trong thời gian này. Chỉ còn hai tháng nữa, là anh sẽ thư thả hơn, vì công việc cũng đã xong được 4/5, anh sẽ có nhiều giờ hơn cho em, anh sẽ hoàn tất hai bức tranh chân dung em mà anh đang vẽ dở, anh sẽ dượt lại nhạc cổ điển tây phương mà anh hằng yêu thích, rồi anh sẽ thâu tặng em những tình khúc do anh độctấu, để em nghe mỗi tối. Anh sẽ...v...v...anh muốn làm nhiều thứ cho em lắm.  Cam đoan em sẽ vui vì những gì anh đang làm cho em đây."
Nàng nhắm mắt mơ màng và bỗng nàng nhìn thấy hình ảnh một con bé tươi vui với đôi mắt long lanh, và những bước chân chim.  Môi mắt như cười với tiếng piano và giọng hát anh ở cái earphone úp chặt hai bên tai.

HươngKiềuLoan
( Trích series: Em như nụ hồng )
========================
Những link về HKL:
Xin copy và paste vào menu bar:
http://t-van.net/?author=21
http://huongduongtxd.com/vuon_huongkieuloan.html
http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=971&Itemid=53

                                                                   ( HKL-Nov 2009 )
Xin hẹn gặp lai trong các bài của 3 series:
1. Series: Cầu Gió ( 1999)-.
2. Series : Em như Nụ Hồng ( 2001 )--
3.: Gió Mây Lưu lạc ( 2001)
  1. ( Những "chiếc giày mốc" trên sông)
                                                  2.. Một Sáng Sương Mù.

Hương Kiều Loan và truyện ngắn Bố Con.

tt
Bố Con
Hương Kiều Loan

Résultat de recherche d'images pour "bố con"
1.
Hai năm nay, kể từ ngày các con trưởng thành, ông Hữu rt buồn vì thấy các con xa lạ với mình. Ông nhớ tiếc những ngày chúng còn nhỏ, chúng thường quấn quýt bên cha mẹ. Chúng đòi đi phố, rồi gạ bố cho đi ciné, vòi mua đồ chơi, đòi mua món này món nọ, và thường ôm bố reo lên mỗi khi được món qùa mà chúng  ưa thích hay đã hằng ao ước.
         Rồi ông nhớ những lần đưa cả nhà đi ăn tiệm. Nhìn gia đình đông đủ, đầm ấm, các con cười nói luôn miệng, và ánh mắt sung suớng của vợ, ông thấy những ngày làm việc vất vả ở xứ người đã được đền bù. Mọi người trong nhà như đều lệ thuộc vào ông, lúc nào cũng bố, cái gì cũng hỏi bố.  Xa nữa, ông nhớ lại những ngày mới đến nước Mỹ.  Miên và đứa con đầu lòng mới chỉ bốn tuổi khi đó. Trong những  tháng đầu Miên chưa nói được tiếng  Mỹ lưu loát, mặc dù ngày xưa, Miên thuộc ban văn chương của một trường nữ Trung  Học nổi tiếng của Saìgòn nên nàng chỉ bút đàm với gia đình người bảo trợ. Muốn không mỏi tay , và câu chuyện  được nhanh hơn, thì  mọi việc phải nhờ ông thông dịch. Lúc đó ông thấy mình  oai lắm và rất vui, vì ông có niềm hãnh  diện là bảo vệ, săn sóc được cho vợ con là những người ông thương yêu hết lòng.

Résultat de recherche d'images pour "bố con"
2.
Năm đầu ở Mỹ, lúc nào ông cũng bận rộn với gia đình.  Qua năm sau Miên bắt đầu xin được việc làm, nhà chỉ có một xe, nên ông phải dậy sớm để đưa vợ và con đến sở, đứa con nhỏ đã vừa đủ tuổi học mẫu giáo.  Hai người làm việc ở hai hướng khác nhau.  Sở ông làm ở mãi tận phía tây của thành phố, còn trường Miên làm thì ở tận cuối phía đông.  Hôm nào cả nhà cũng phải dậy thật sớm để đi cho kịp giờ.  Vất vả nhất là thời gian ông tập cho vợ lái xe. Miên vốn nhút nhát, ngay từ thời nhỏ, phải đi học bằng xe đưa đón của trường,  xe đạp cũng không dám đi, nói gì đến xe velos solex. Bây giờ lại phải lái xe hơi,. nhất là ở Mỹ, xe cộ đông như mắc củi, xe chạy ào ào. Miên sợ ghê lắm. Ông luôn là người khuyến khích và nâng đỡ tinh thần Miên khi nàng nản chí những lúc học lái xe. 
 Miên kém ông 7 tuổi, lại là con gaí út trong  gia đình, được bố cưng chiều nhất nhà, nên lấy chồng đã vài năm,  nàng vẫn giữ nguyên những tính nết như lúc còn ở với cha mẹ.  Tuy thế ông chiều vợ hết mình.  Sự hy sinh vô bờ bến của ông chắn chắn là Miên và các con phải biết rõ.   Đời ông , công danh đã lỡ, sự nghiệp chôn vùi sau biến cố 75.  Những năm ở đại học Luật khoa xưa chả giúp được gì  cho ông trong cuộc sống  nơi xứ lạ này, chỉ còn số ngoại ngữ  Anh và Pháp thông thạo, vốn liếng từ những ngày mài đũng quần ở Puginier, đến  lycée Yersin ở trung  học  đã giúp ông tự tin được chút ít khi phải giao thiệp với người bản xứ.  Và họ đạo nhà  thờ bảo trợ gia đình ôngï đã xin cho ông đuợc việc làm,  công  việc  rất khá so với những người đồng hương tỵ nạn cùng sống trong thành phố lúc bấy giờ. Thế rồi ông theo học thêm trong  mấy trường huấn nghệ để có tay nghề vững hơn,  chưa hết, sau khi công việc đã khá, ông lại chăm  chỉ ghi danh đi học thêm ở đại học những tối và cuối tuần, để có công việc sáng  sủa hơn sau này.  Ông đã cố gắng  hết khả năng của mình để mang lại đời sống sung túc cho gia đình, và lo con cái có cơ hội học hành tiến xa hơn .  Ông đã dành tất cả thương yêu cho vợ và con.
3.
Ông đã rất hài lòng với sức học và hạnh kiểm  của các con. Từ ngày đi học lớp mẫu giáo đến nay, chúng đều mang niềm  hãnh  diện cho bố mẹ vì các giấy ban khen của ban giám hiệu nhà trường lúc còn học dưới trung  học, đến giấy ban khen của Dean đại học. Thấy các con ngoan ngoãn như vậy, ông  yên tâm lắm.
Tưởng đời cứ thế trôi, nhưng đến tuổi gần về hưu, ông mới thấy mình đánh mất quá nhiều. Từ bao năm, ông vẫn nghĩ mình làm tròn bổn và là người cha gương mẫu: không rượu chè , Không cờ bạc, không đàn đúm trà đình  tửu quán, không bồ bịch lăng nhăng.  Nhưng gần đây ông thấy các con như xa lạ với mình,  Ông không đọc được tư tưởng chúng như ngày chúng còn nhỏ nữa. Thì ra hơn  mười năm sau này, khi ông mãi lo mưu sinh, về đến nhà là mỏi mệt, không gần gụi trò chuyện thân mật với các con nên một  bức tường ngăn cách đã dựng lên giữa cha con ông từ bao giờ?  Và càng ngày bức tuờng đó càng cao hơn và dầy hơn.  Cứ mỗi lần  cha con nói chuyện, đưa đến vấn đề gì cần thảo luận, thì chúng thường yên lặng khi thấy ông hăng hái về tư tưởng của ông,  Chúng không dám cãi, nhưng nhìn ánh mắt chúng, ông hiểu là chúng không đồng ý.   Mỗi lần phải nói chuyện với ông, chúng thường rất vắn tắt và tỏ vẻ chỉ muốn nghe cho xong để chúng còn rút về phòng riêng.   Điều đó làm ông rất khó chịu.  Ông không cần biết, dù khôn đến mấy chăng nữa làm sao chúng  có kinh nghiệm bằng ông được! Lời khuyên hay răn dạy của ông  bao giờ cũng đúng, và bắt buộc chúng  phải nghe theo!
4.
Rồi ông cũng chợt nhận ra là bây giờ các con chỉ gần mẹ. Cái gì chúng cũng hỏi mẹ, hay xin mẹ , hoặc  nhờ mẹ thưa với bố dùm. Đột nhiên ông cảm thấy cái địa làm chủ gia đình  của mình bị lung lay.  Không phải vợ ông lạm quyền mà vì các con ông không để ý đến ông nhiều nữa (? )  . Đôi lần trong bữa ăn chiều, ông thấy có đứa vắng  mặt.  Hỏi, thì Miên bảo con xin phép đi đến nhà bạn dự sinh nhật, hoặc đi ciné với bạn. Ông bực tức:
-        Tại sao nó không xin phép tôi?
-        -Anh đâu có nhà lúc đó mà nó xin phép.  Vả lại chúng cũng lớn rồi, năm thứ hai, thứ ba đại học rồi anh, đâu còn 12, 13 tuổi nữa!
Ông không chấp nhận:
-        Nếu nó định đi chơi, nghĩa là đã biết truớc nhiều ngày, Vậy sao nó không xin phép khi tôi có mặt ở nhà?
 Ông phải đợi con về để hỏi tội.  Cái quyền cho phép đi chơi ngoài giờ đi học, đi làm partime là quyền của ông, chứ không phải quyền của mẹ chúng nó. Vì ông biết người mẹ bao giờ cũng dễ mềm lòng với con cái hơn.   Ông đọc báo thấy có những party, nhẩy nhót, rượu, gái trai, dễ đưa đến say sưa rồi ẩu đả nhau, và rốt cuộc đi đến tại nạn thương vong.  Báo chí Mỹ chả đăng đầy ra đó sao!. Ông phải cảnh cáo chúng mới đuợc.  Không đi chơi không chết, chúng đi chơi khuya sẽ có ngày gặp ma! Rồi còn nhiều thứ khác nữa.…Những bực bội nho nhỏ cứ lan mãi như  những phấn hoa, phấn cỏ  của mùa dị ứng và cần phải diệt trừ.
5.
Mỗi cuối tuần nghỉ nhà, ông thường để mắt nhìn vào phòng các con. Thấy bừa bộn là máu ông bốc lên đầu. Phải dựng cổ chúng dậy dọn dẹp ngay tức khắc.  Tính ông ngăn nắp, ông không thể chịu được khi thấy  phòng chúng thật vô trật tự!  aó quần chúng vứt  bừa trên giường! Chỉ chừa chỗ cho chúng  nằm ngủ! Quần aó chúng, mẹ đã  giặt cho sạch rồi, đã gấp sẵn rồi, chúng cũng cứ để đầy trên cái ở phòng giặt, mà không chịu cất.  Sách đọc xong, cũng không chịu để lại trên kệ sách.  CD nghe xong, cũng không chịu bỏ vào cái vỏ hộp CD , mà để đầy trên bàn học hay trên giường chúng nằm.  Tại sao chúng không thể giống ông một tý nào về sự gọn gàng cả?  Có bao giờ ông như vậy đâu? Vật gì ông cất ở chỗ nào  thì dù mười năm sau, hay có tắt  đèn, ông vẫn tìm ra những vật đó một cách dễ dàng.
Ngày các con còn nhỏ, ông không nhớ phòng chúng ra sao, có lẽ vì mẹ chúng luôn dọn dẹp. Nay các con đã lớn, Miên nói không muốn vào phòng làm xáo trộn riêng tư của chúng. Ông thì không thể nào chấp nhận cái lập luận đó được.  Trong gia đình là không có chuyện gì riêng tư  hết. Muốn riêng tư thì dọn ra ngoài ! Sống dưới mái nhà do ông làm chủ, thì phải theo luật gia đình, phải đổ rác, phải hút bụi nhà, phải lau chùi sạch sẽ…mọi thứ phải đâu ra đấy.
6.
Ông dòm dỏ, chú ý cả đến lối sinh hoạt riêng tư của các con.   Không lý do gì mà con trai còn ngủ đến tám chín giờ sáng!  Mẹ ông xưa thường rót vào đầu ông cái câu : “ Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày!”  Sáng dậy trễ là hư!  Quan niệm đó đã đuợc ghi trong tự điển của đại gia đình nhà ông.
Nhiều hôm  ông bực mình vì Miên bênh con:
--Lớp học của nó mười giờ tối mới tan, về còn tắm rửa và làm bài đến khuya, Sáng thứ bảy anh để cho nó ngủ trễ một tý .Sao anh ác thế?
--Em biết chúng học bài hay chúng chơi game hoặc coi TV hay nghe nhạc trong phòng chúng mà bênh?  Muốn học thì hôm nay nghỉ, sao không dậy sớm mà học, đầu óc sẽ minh mẫn hơn…
Nhìn  chúng ngồi học, ông càng lộn ruột, chúng vừa  học, vừa nghe nhạc.  Ngày xưa khi ông học bài buổi tối đâu có như thế.  Hồi ấy sau bữa cơm chiều chừng nửa giờ là bố ông bắt mấy anh chị em ông phải  ngồi học bài , bàn học kê ở góc phòng khách.  Mấy anh chị em phải ngồi đó nhai bài trong suốt hai tiếng đồng hồ, có buồn ngủ rũ mắt ra cũng phải  ngồi đấy, không được lén đi chỗ khác chơi, radio phải tắt.  Cả cái phòng khách rộng thênh thang và lạnh lẽo với những sập gụ tủ chè  lên nước nâu bóng.  Bầu không khí  thật là lạnh và nghiêm, không một tiếng động nào khác ngoài tiếng ê a học bài của anh chị em ông. Vậy mà nhiều khi bài học còn khó vào đầu. Bây giờ thì các con ông ngồi làm bài,  cứ để TV léo nhéo, lại còn mở cả CD nghe nhạc nữa.  Học hành bị chi phối như thế thì chữ nghĩa làm sao vào óc được nữa! Vậy mà không hiểu sao điểm học chúng vẫn cao ?  Mặc kệ,  Ông vẫn muốn chúng phải học theo cách ông học bài ngày xưa, do đấy khi nào ông nhìn thấy kiểu học của chúng  là ông la mắng  và bắt tắt máy ngay.
7.
Vợ ông không cằn nhằn các con khi chúng thức khuya. Miên cho rằng cả tuần chúng đi học, rồi còn đi làm part time, chúng mỏi mệt, nên cho chúng tự do một tý. Hừ ! tiền chúng kiếm được thì chúng sài, ông nào đếm xỉa đến.  Ông vẫn phát lương hàng tuần cho chúng mà, và cung cấp cả tiền sách vở, quần aó thật đầy đủ khi chúng cần.  Cũng may là học phí thì chúng đã có học bổng rồi, nên đừng có lấy lý do đi làm mỏi mệt với ông.  Ông có bắt đứa nào phải đi làm đâu?  Học là học, đi làm có tý tiền sẽ sao lãng việc học, mắc mứu vào những  ham muốn vật chất, lo kiếm tiền v.v...việc học sẽ kém đi

Chuyện chúng đi làm cũng là do Miên đồng lõa. Nàng bảo để tập cho các con có tính tự lập và tạo cho chúng có tinh thần tự trọng,  độc lập.  Khỏi phải ngửa tay xin tiền bố mẹ những khoản tiêu riêng tư  như mua game điện tử, hay đưa bạn gái đi ciné. Mua quà sinh nhật cho bạn bè.v,v..
8.
Nói đến bạn của con ông, khiến ông càng lộn tiết.  Cái xứ gì mà phong tuc đến trơ trẻn.   Ai lại, ông bố  đưa con gái đến tận nhà ông để đón con trai  ông lên nhà họ chơi, rồi đến chiều, họ lại đích thân đưa thằng con ông về.  Bác sĩ với chả bác siếc. Ông không  hiểu nổi tại sao người Mỹ lại chiều con đến thế ?  Ông thì còn lâu! Ông mà có con gái , con trai tới nhà chơi, ông còn đuổi đi  là đằng khác, vì bạn trai chỉ làm chia trí sự học của con gái  ông.  Cũng may ông không có con gái nên không phải lo canh chừng luôn mắt.
 Làm sao  ông có thể chấp nhận chuyện bố mẹ làm  việc cả tuần meat nhọc. Cuối tuần lại phải đưa con  đi chơi chuyện riêng! Ngay cả đi học nhạc, chơi thể thao…Chuyện đó là không có ông!  Ông không đưa đứa nào đi đâu hết, muốn đi chơi , thì đi chung với gia đình, ông đi đâu thì chúng sẽ phải theo đó! Bạn bè gặp trong trường là đủ rồi!
 A! ông cũng nhận ra thêm một điều là những  năm gần đây, các con ông không thích đi phố với bố mẹ như trước nữa. Chúng chỉ đi khi bị bắt buộc, rồi đến nơi là xin phép tách riêng để đi chơi game hay vào các tiệm bán đồ điện tử, hoặc các hiệu sách.  Như thế thì còn gì là hứng thú và ý nghĩa khi gia đình đi chơi chung nữa. Có ép chúng phải đi cùng với ông vào các nơi ông thích, thì mặt chúng chảy dài ra, chả buồn nói hay cười! Aùy thế mà khi bất chợt chúng  gặp bạn bè của chúng ở shoping thì chúng tươi như hoa, nói cuời với bạn rất là hào hứng,  khiến ông tức vô cùng.
9. Cái con bé bạn gái của thằng con thứ hai đó, coi nó cũng xinh xắn ra phết, học giỏi và con nhà gia thế, bố nó là bác sĩ nổi tiếng trong thành phố ông cư ngụ. Nhưng ông vẫn ác cảm với nó, vì nó dám rủ rê con ông nạp đơn  xin  học  ở Northwest University, nơi con bé đã đuợc chấp nhận. Làm sao ông bằng lòng  đuợc chứ, khi thằng bé mới hơn 17 tuổi mà đi xa nhà như vậy?  Lại ở một thành phố nhiều tội ác như  Chicago mà ông đã thấy trong các phim ảnh trên TV vẫn  hằng chiếu.
Rồi ông càng bực thêm khi vợ ông cho phép bạn gái của con đến nhà chơi cả nửa ngày cuối tuần. Có đứa con gái mắt xanh mũi lõ, tuổi hơ hớ ngồi coi TV với con ông ở phòng family room dưới nhà, khiến ông đi lại trong chính nhà của mình mà mất cả tự nhiên, vì không thể quần đùi, aó may ô đi ra, đi vào  được.
.    Vợ ông lại phán:
-        Thà để bạn bè chúng lại nhà chơi,  hay con mình đến nhà họ, mình còn yên trí và biết  để kiểm soát đuợc,  chứ ngăn cấm chúng ,  để chúng phải lén lút gặp nhau nơi nào khác thì sẽ xảy ra nhiều chuyện tai hại  khó lường.
Nghe thì hợp lý đấy, nhưng ông vẫn bực là sao con ông không chọn bạn gái Việt Nam để ông đuợc nghe lời chào hỏi , thưa gửi ngọt ngào  lễ phép.   Đằng này thì chỉ : Hi, good morning.. hoặc : Hello ! Mr. Do, how are you? và rồi sau đó là ríu rít với con ông, coi ông không có kilô nào nữa.  Chúng biến vào phòng riêng, dù ông đã bắt con ông phải để cửa phòng mở mỗi khi có bạn lại chơi, dù nam hay nữ.
Nhiu lần ông than phiền với bạn bè về cách cư xử  của tụi Mỹ con , gặp bố mẹ bạn mà không chịu cúi đầu thưa dạ. Bạn ông an ủi:
--Nó chào như thế là tốt rồi, là ngoan đấy. Thằng con trai tôi có con bồ Mỹ lại kiếm, Lúc mình ra mở cửa, nó chả thèm chào một tiếng mà chỉ hỏi: Is Vu home? Nghe chỉ muốn bạt tai cho mấy cái. Tôi mang vấn đề vào hỏi dăm thằng  Mẽo trắng, dậy cùng trường,  thì nó cười bảo:
-Chả có gì là bất lịch sự cả, nó là bạn của con mày chứ có phải bạn mày đâu mà thăm hỏi mày?
Người bạn chép miệng:
--Dân Mỹ nó thế đấy!
Ông lẩm bẩm:
-Càng văn minh lắm, càng mất dậy  nhiều!
10.
Sáng nay ông bực lắm vì vừa ngỏ ý  muốn nói chuyện với  thằng con nhỏ trước khi nó đi làm cuối tuần, thì ông đụng ngay cái bộ mặt khó đăm đăm  của nó.  Làm  cái thiện chí cha con trò chuyện bị cụt hứng.  Ông than phiền với vợ thì bà thản nhiên:
--Mình nói chuyện không hợp với nhân sinh quan của chúng thì chúng không muốn nói. Bắt chúng phải theo như ý mình là độc tài trong tư tuởng.  Thử hỏi bây giờ có ai cứ  đeo theo nói chuyện với anh, mà quan niệm chống  đối nhau,  anh có thích ?  hay sẽ bực bội để né tránh?
Ông hậm hực:
- Hừ!  Bạn bè khác , bố mẹ khác.
Miên phản đối:
 - Khác? Đúng, vì chúng phải miễn cưỡng nghe tư tuởng một chiều của bố mẹ, và không được bày tỏ quan điểm của chúng, nếu đối nghịch, thì biết thế nào cũng  sẽ bị bố “rũa” cho mòn tai, nên chúng né là vậy.-
--Bộ em không thấy bực bội khi mình muốn nói chuyện  thân mật với chúng mà chúng làm mình cụt hứng sao?
- Tại lối nói của anh lúc nào cũng  gay gắt, cứ như ra lệnh và thẩm vấn chúng nên làm chúng khó chịu.  Hoặïc nhiều khi anh  gợi chuyện không đúng lúc, vào ngay giờ chúng sắp phải đi làm, hoặc chúng đang có chuyện gì không vui nào đó.  Nếu là em thì em để kệ nó, khi nào thấy nó vui thì mình sẽ gợi chuyện.
11.
 Không cần biết, chúng không vui, hay bận gì thì cũng phải dành  thời giờ cho ông khi ông cần nói.  Có như thế , hai thế hệ mới thông cảm nhau được, đàng này lúc nào chúng cũng chỉ muốn né ông, làm sao ông  không hậm hực được chứ?  Miên còn muốn ông nên tỏ ý khen ngợi chúng thường hơn khi chúng học giỏi hay phụ ông trong những việc cắt cỏ, xén riềm cỏ...v....   Hm ! Đó là bổn phận của chúng, đi học thì phải như vậy, tiền học không phải lo, mọi nhu cầu vật chất ông đã cho đầy đủ , mà không  học khá nữa thì làm culy cho xong.  Còn cắt cỏ, đó cũng là bổn phận khi sống trong nhà chứ bộ . Ông không  là dân  mắt xanh mũi lõ mà lúc nào cũng phải thank you! Thank với chả thiếc! Khách sáo! Dân Mỹ là chúa mầu mè, ông  ghét cay ghét đắng về cái sự giả dối như thế,  thank  thanks!  dẹp!
12.
Đã thế, bà vợ ông còn quân sư quạt mo cho ông như sau nữa chứ:  Miên khuyên ông  bớt  những  gay gắt, có giọng nhẹ nhàng ngọt ngaò hơn khi trò chuyện với các con. Và cũng đừng chỉ trích những gì  chúng thích, dù mình  có ghét những thou đó đi nữa.  Như thế thì cha con mới xích lại gần nhau đuợc, và  ông cần phải cư xử vớùi các con như bạn vì chúng đã lớn,  đừng nên lấy cái uy quyền khắc nghiệt của bố ra  ne nẹt con cái !  Hừ! Miên  dám lên lớp  tâm lý chiến với ông? Bà quên rằng ông là gốc  Chiến Tranh  Chính Trị ở nhà banh xưa hay sao?  Thật đúng là đàn bà có khác!
Miên còn bảo:
- Em không bị xa cách với chúng nhiều như anh, vì em tránh không chỉ trích, phê phán các show TV về foot ball, base ball, phim khoa hoc, kinh dị v..v..khi chúng xem.  Em còn làm bộ hỏi chúng về môn chơi đó để tìm hiểu thêm, thật sự,  mình không biết nhiều thứ mới mẻ ở xứ này, dầu sao trẻ con lớn lên từ đất Mỹø, có nhiều cái chúng  hiểu rõ hơn mình.  Em cũng đọc những sách loại Harry Potter hay xem những phim nổi tiếng  hiện hành của Mỹ, Như  Lord of the Ring v..v…dù em không ưa thích , nhưng xem cho biết.  Hơn nữa cho mình  chút kiến thức góp chuyện với  nguời Mỹ khi họ đề cập đến những thứ ấy v.v...
 Ông ngắt lời:
--Tôi không thể nào ngồi xem được những phim giả tuởng quái dị đó cả, người không ra người, quỷ không ra quỷ, 
Ông nhớ lại khi cái phim đó chiếu, các con nao nức đi coi, Miên nữa, cũng đi theo chúng nó, Ông vì chiều cả nhà, đã bấm bụng mua vé đi theo.  thật đúng là dại dột! Vừa tốn tiền, vừa mất thì giờ, bởi vì cuốn phim dở ẹc! Quaí đản! Mặc thiên hạ say sưa im thin thít theo dõi chuyện phim, ông thì....O....O..ta làm một giấc!  tiếng ngáy của ông cứ oai hùng trầm bổng lên xuống cho bõ ghét! Khiến Miên đã phải đánh thức ông dậy vì mọi người đã quay cả lại để tìm nơi nào phát ra điệu nhạc kỳ lạ!
13.
Qua đến lãnh vực thể thao, cũng không khá gì.  Miên nói:
-Anh xem đấy, không những bọn Mỹ dẫn con cái đi cine, mà họ còn hằng tuâàn  đưa con đi chơi baseball và các môn thể thao khác.  Họ ngồi vỗ tay cổ võ cho con lên tinh thần trong các trận đấu..v.v...
Ông làm sao ưa được cái môn chơi vung dùi đó chứ?  Ông còn ghét cay  ghét đắng môn football của dân Mỹ nữa.  Cầu thủ như một lũ giác đấu, chỉ hung  hăng húc nhau, chả có vẻ gì là thể thao như môn đá bóng  của Việt Nam.  Ông  từng là quán quân về môn bóng bàn của Lycée Yersin xưa. Vậy mà không thằng con nào chịu chơi môn thể thao này với ông, để ông truyền cho những kỹ thuật xoáy banh của mình.
14.
Ông thấy buồn vô cùng, thì ra bây giờ cái gì cũng thay đổi, cũng ngược lại hết, ngay cả cách viết tên  họ và ngày tháng, nói  chi những chuyện gì khác.
 Ngày xưa lúc ông  còn nhỏ, thấy bố ông nghiêm nghị, chả bao giờ trò chuyện với con cái. Ông kính và sợ bố một phép, nhưng ông thường ao uớc được bố hỏi chuyện thân mật, điều đó đã không bao giờ xẩy ra, nên năm ông 12 tuổi, khi xem cuốn phim  : Mon Père, Cet Étranger Ông đã rất xúc động và khóc.
     Nay, Ông muốn  làm thân với các con, thì..mt cay cay, ông lẩm bẩm: Bây giờ là MON FILS, CET ÉTRANGER!
HƯƠNG KIỀU LOAN
         ( 1996)