Kính mời quý anh chị đọc lại một bài đầy niềm thương nhớ về những người đã một thời còn ở trên cõi đời.
Nhân dịp ngày lễ hội người ma, tôi post lại trong Blog này để Còn Một Chút Gì Để Nhớ Để Thương.
Caroline Thanh Hương
Những
ánh sao rơi
Hương Kiều Loan
1.
Ngày 27 tháng 12, 2003
Buổi sáng nay và suốt cả chiều qua, chúng tôi cứ phân
vân trong quyết định đi tiếp xuống Houston ,
hay quay trở về KS lại? “Ông boss” muốn
dồn tôi vào quyết định để sau này dễ đổ thừa. Tôi lắc đầu là không có ý kiến:
“Anh đi thì em đi, anh về thì em về.” Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp nghỉ Noel 16
ngày là ông ấy chỉ muốn đi TX! Nại cớ những nơi khác sẽ có tuyết khó lái xe. Và
nhất định không chịu bay! Vậy thì đi đâu đuợc trong khoảng thời gian đó? Chỉ
còn xuống Houston ,
miền nam nắng ấm, đúng nơi ông ấy muốn, xuống thăm gia đình bà chị ruột và bà
dì ruột đã ngoàì 90. còn phần tôi lâu lâu mới đuợc ghé thăm vài người bạn tôi
qúy mến ở cùng tỉnh! Năm nay cũng vậy, chuyến đi chơi mùa hè vừa qua, mới tháng
bẩy đã gặp bà chị , bà dì rồi. Vậy mà trong dự định lần này thì có đến chín
phần mười muốn tiếp tục đi nữa, đi thăm nữa!! Nhưng những cơn ho, những húng
hắng của cái cúm đang lảng vảng quanh người, những cơn mệt lả người, đã ngăn
chặn đuợc ý định lái thêm 10 giờ đi tiếp
xuống miền Nam .
Và thế là chúng tôi trực chỉ quay về nhà. “No place is better than home”, Tôi
thấy câu này sao mà đúng với ý tôi bây giờ!
2.
Ngồi trên xe đuợc nửa đuờng về KS, tôi đang nghĩ đến
Oanh, vì chúng tôi hay nói chuyện mỗi cuối tuần, cái cell phôn cho đuợc thả
giàn đấu láo vào weekend. Bỗng như có thần giao cách cảm, tôi chưa kịp lấy cái
phôn ra khỏi ví, thì đã nghe nó reo ầm ĩ ! Và tiếng Oanh vỡ oà trong phôn xen
tiếng khóc: "HD ơi, anh Giám mất rồi HD ơi”. Oanh không nói tiếp đuợc nữa
và tôi chỉ nghe được tiếng nức nở của người bạn. Tôi cũng lặng người, cái tin
đã đến quá đột ngột. Mới nói chuyện với nhau vài ngày qua, Oanh còn nhắc đến
ông anh thứ hai này, với nhiều vui tươi.
Oanh cũng còn khoe mới gửi báo ViệtHome tặng anh Giám. Ðược biết anh ấy đau ốm đã mấy năm nay, nhưng
hình như gần đây bệnh đã thuyên giảm nhiều.
Thế mà…. !
Cuối cùng, cố nén tiếng khóc, Oanh nhờ tôi báo tin dùm
Oanh đến vài người thân ở Úc. Oanh cho biết ngày mai, gia đình Oanh và gia đình
người anh cả cũng sẽ sang CA để lo mọi việc! Tôi hứa sẽ làm, và nghẹn ngào chớp
mắt: “Thế là lại một ánh sao băng!”
3.
Tôi nhớ năm 2001, khi bố tôi mất, gia đình người bạn
đầu tiên tôi báo tin là cặp Trung-Phán+Bích-Nga, ở Canada . Ngày đó tôi cũng như Oanh, nói đuợc một câu
rồi cũng chỉ còn là nước mắt. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ hay viết về bố, mắt
tôi cũng vẫn nhòa đi. Có lẽ tôi hợp với
bố nhất nhà, hợp với bố hơn với mẹ, cũng có thể tôi là con gái út trong gia đình, và đuợc bố cưng hơn các chị gái.
tôi lại biết vẽ giống bố. Lần gặp bố năm 97, tôi vẫn còn hy vọng sẽ có
ngày đuợc gặp lại nữa vì bố tôi còn khỏe
mạnh và rất minh mẫn. Thế rồi, tuổi già như ngọn đèn trước gió!
4.
Tôi nhớ ngày đuợc cô cháu gọi báo tin: “ Ông đã mất
rồi cô ơi!” Khi nghe tin, tôi chỉ bật khóc nhỏ vài tiếng, rồi sau đó khóc thật
lặng lẽ. Có lẽ đó cũng là một cá tính của tôi, chịu đựng và nuốt những nỗi
buồn, niềm đau để tự mình gánh vác lấy, Trên đời này, kể từ mấy năm nay tôi đã
không còn ai để chia xẻ tâm sự nữa. Tôi còn lại là tôi với một ốc đảo riêng.
Hình như có những hạn xấu đã đến với đời tôi, và nếu tin vào số mạng thì có lẽ
đúng, tôi đang nằm trong cái hạn xấu 10 năm của mỗi đời người. Những ngày chïu đựng những nỗi buồn riêng,
không ai chia xẻ đuợc, không ai hiểu, tôi vẫn nhẫn nhịn cho qua một kiếp sống.
5.
Tin bố mất, nhà truờng cho tôi nghỉ cả hai tuần. Tôi
làm những công việc hàng ngày ở nhà như đã làm từ bao lâu, tôi không khóc đuợc
nữa, nuớc mắt đã chảy thật nhiều cho những đau buồn từ mấy năm qua, đến nay
chắc đã cạn. Về nỗi mất mát to lớn này khóc sao cho đủ. Tôi thấy như mình không
còn là tôi nữa. Hình như tôi tách rời khỏi tôi? Tôi thấy mình như một cái bóng
lặng lẽ quan sát cái xác đi đứng, nói cuời làm việc kia, nó như một hình nộm,
tôi nghe nó nói, tôi nghe nó trả lời, tôi thấy nó đi đứng, tôi thấy nó làm
việc, nhưng tôi không đọc đuợc một cảm
xúc nào trên khuôn mặt đó. Ha! nó còn sống ư? Sao nó sống làm gì? Tôi nghĩ nó
đã chết từ mấy năm nay rồi? Mà chắc nó chết thật rồi, vì bây giờ cái xác đó tuy
có cử động, có ăn, có ngủ, có làm việc như một người bình thuờng, nhưng đã
không còn là nó, là con người mà tôi đã biết truớc đây! Chỉ đêm về, tôi mới
nghe tiếng nó thút thít, và nhìn thấy giòng nuớc mắt nó chảy ướt cả mặt gối,
còn ban ngày nó vẫn như một hình nộm.
6.
Ngày mẹ tôi mất, khi đó tôi xa VN đuợc bẩy năm, chưa
một lần gặp lại, nhưng tin tức đuợc biết khá thuờng xuyên do người chị thứ hai,
chị đã suốt đời hy sinh cho gia đình, và các em, cho bố mẹ, tôi thấy chị là
người vác cây thánh giá cho gia đình. Trong những năm khốn khó khi kẹt lại sau 75, một tay chị may
vá làm lụng để nuôi no đủ cả nhà, dùng thêm những lạng vàng bán dần cho tiền
chợ, và vào những chuyến vuợt biên cho con trai đều thất bại. May mà gia đình
có ngôi nhà ở ngay mặt tiền của con phố, để là nơi buôn bán đồng ra đồng vào.
Ban ngày chị vất vả may vá, rồi còn lo cơm nước cho cả nhà, nhất là lo nấu
nuớng khéo sao cho bố ăn được ngon miệng, để giữ chút sức khỏe còn lại vì bố
cũng kiệt sức bởi lo cho mẹ bệnh hoạn đã bao tháng ngày. Ban đêm chị lại túc
trực trong nhà thuơng để chăm chút mẹ già, đút từng thìa súp,thay từng chiếc
áo, đổ từng sô nuớc tiểu …chị đã thay các em ở xa làm hết mọi việc. Các em, kẻ
thì đi học tập cải tạo, kẻ thì bận kiếm sống với bầy con nhỏ 4, 5 đứa, và tôi
thì ở xa quá, không đỡ đuợc gì cho chị ở những vất vả mỗi ngày, ngoài việc chắt
bóp gửi quà về để nhà bán, phụ vào tiền mua thuốc men. Tuồi già như cái xe đã
cũ, nay hư nơi này mai hư nơi khác. Mẹ nằm liệt ròng rã cả năm, vật vã chiến
đấu với cơn đau từng ngày, từng tháng, rồi cái ngày định mệnh phải đến, đã đến.
Năm 1982 đó tôi đã khóc đuợc nhiều, niềm đau vơi hơn ngày bố mất sau này, khi
mà tiếng khóc đã là những nấc nghẹn của bao nỗi buồn khác chồng chất đè nặng
trong tâm. Và rồi suốt bao năm, những kỷ niệm xưa về gia đình vẫn hiện về trong
những giấc ngủ, tôi thường nằm mơ thấy mẹ, nhiều giấc mơ đã tới như chuyện thật
xẩy ra trong những ngày tôi còn độc thân ở nhà, những dịp giỗ tết, cả nhà vui
tiú tít, họ hàng đến thật đông. Bố mẹ tôi đều là vai lớn nhất trong họ, do đấy
vào những dịp giỗ bên nội hay bên ngoại là con cháu, chú, bác, cô dì ở mọi nơi
đổ về quây quần tụ họp đến cả tuần, trò chuyện suốt đêm. Khi tỉnh dậy, tôi thấy
mình hụt hẫng! Tôi hoàn toàn cô đơn ở nơi xứ lạnh lẽo này, không một người thân
phiá bên tôi dù là ở xa trên đất Mỹ trong những năm đó. Tôi không có một nơi để
nương náu tâm hồn.
7.
Ngày ... tháng ...
Nhớ lại mấy hôm trước anh “Ngoan Ðồng” ở Úc còn email
đùa rằng: “…nhờ Hoàng Dung, mà anh đã liên lạc lại được với gia đình người bạn
thân quý, một người bạn mà anh hằng tìm kiếm từ bao năm. Ơn cao đức dầy này,
anh biết lấy gì đền đáp…” Tôi chưa kịp viết thư
: “Xí “ anh, đúng là Lão Ngoan Ðồng, lúc nào cũng… như vậy! Cái gì mà
“ơn cao đức dầy?” nói qúa lời! Ghét! Ghét ….. Thì nay tôi thấy lời anh “ca” có
lẽ đúng, anh “Ngoan Ðồng” đã liên lạc đuợc với anh Giám suốt cả tháng trời, hai
người đã phôn và email qua lại. Còn gì vui suớng hơn khi ta tìm lại đuợc người
bạn tri kỷ của một đời. Có những tình bạn dù cho không bao giờ gặp lại, nhưng
sự thân thương, quý mến đã như được khắc sâu vào tâm khảm, để vĩnh viễn nhớ
thương về nhau. Tôi đoán tình thân giữa anh và anh Giám cũng giống như tôi với
Oanh vậy. Chúng tôi chơi với nhau ngay
từ ngày buớc chân vào Trưng Vương, như những con chim non bỡ ngỡ ở ngưỡng cửa
trung học năm đầu, ngôi trường nổi tiếng của thành phố Sàigòn ngày đó với những
kỷ luật gắt gao của một ban giám hiệu. Chúng tôi thân nhau ngay từ năm đệ thất,
tình bạn keo sơn mỗi ngày một đậm, trong lớp thì ngồi cùng bàn, ra chơi lại đi
với nhau, chia nhau từng gói tầm duột chua dấu được trong cặp, chia nhau từng
quả xí muội nhỏ, cho nhau muợn đọc những cuốn truyện hay nếu đứa nào có đuợc, cho nhau xem những
tấm hình, mới dành dụm được tiền để đi chụp ở tiệm. Tôi nhớ năm đệ lục, tôi có
cái hình mặc aó dài ngồi ở chiếc ghế mây to, bên chậu trồng cây đào lớn, trong
tiệm chụp hình Mạnh Ðan, bức hình ngồi ra dáng người lớn ghê lắm, bức hình làm tôi “già” như học sinh lớp đệ nhị, đệ
nhất. Oanh cứ đùa bảo tôi coi giống bà Phán. Mới đây nói chuyện, Oanh nhắc lại,
hai đứa cùng cười. Và cũng nhờ Oanh gửi
cho tôi mấy tấm hình thuở học trò ngày xưa mà tôi đã tặng Oanh, nên tôi đuợc
nhìn lại hình ảnh tươi đẹp của một thời tuổi hồng ngày cũ. Qua bao biến đổi của
thời cuộc, mấy chục năm rồi, Oanh vẫn còn giữ chúng nguyên vẹn để trao tặng lại
cho bạn. Trong khi đó, tôi là kẻ chạy từ năm 75, lại không mang đuợc một hình
ảnh nào ngày xưa. Những bức hình bạn bè đã cho muợn lại đó, đối với tôi chúng
quý hơn tất cả những món quà nào khác
hiện giờ!
8.
Từ tình bạn của tuổi nhỏ, quý mến nhau mà lây đến
những người lớn trong gia đình, các anh chị của Oanh đều biết và vẫn nhớ đến
tôi. Ngược lại, gia đình bên tôi cũng như vậy, Tôi có mấy người bạn thân, cả
nhà cũng biết. Các bạn thân của tôi cũng còn nhớ rõ từng bà chị, và cậu em trong đại gia đình tôi. Về phía Oanh, tôi vẫn
hình dung đuợc chị Yến, chi Giao, anh NL, và nhất là anh Giám, anh chỉ hơn
chúng tôi vài tuổi, nhưng anh rất đạo mạo, anh đã ra dáng là ông thầy ngay từ
ngày anh đang là sinh viên của trường Ðại Học Sư Phạm. Anh vẫn gọi chúng tôi là
cô, mỗi lần lại nhà chơi gặp anh, là anh đều thăm hỏi việc học. Anh thường quan
tâm đến việc học của chúng tôi, tiếc là nhà xa, tôi đã chả đuợc anh kèm toán.
Tôi và Oanh gần nhau từ đệ thất đến đệ tứ, qua đệ tam thì chia ban. Oanh giỏi
toán, chăm học, nên chọn ban B, Tôi thích mơ mộng , sợ toán, chui vào ban C để
trú ngụ.
9.
Tôi còn nhớ những lần xin đuợc tiền mẹ, để đi xe lam
đến thăm bạn bè dịp hè, leo lên cái xe lam nhét đầy hành khách như nhồi cá hộp.
Mỗi băng ghế hai bên ngồi khoảng năm người, bác tài thì lái xe như ma đuổi, đôi
khi gặp bác tài nào lái kiểu cao bồi, thì liệng qua liệng lại khiến hành khách
như muốn bị văng khỏi ghế ngồi. Cho nên tôi phải một tay giữ ví, và tay kia
phải nắm chặt vào cái then sắt dài đuợc gắn dọc ở giữa trần mui xe. Nếu không ,
mỗi lần bác tài quẹo khúc cua, hay thắng gấp, là tôi dám bị văng xuống sàn xe
lắm vì lối chạy xe đặc biệt của mấy bác tài xế này. Hôm nào hành khách toàn
là các bà đi chợ thì còn đỡ khổ, chứ gặp
mấy người đi buôn bán, thì chỗ để chân đuợc chia xẻ với những thúng hàng, chân
bị ép, tê cứng! Ngoài ra tiếng xe lam nổ đã to còn đuợc hoà âm với đám gà vịt
kêu quang quác. Nghe những âm thanh thật nhức đầu. Khi xuống đuợc nơi mình muốn
đến thì vạt aó dài đã bị nhầu nát.
10.
Mùa hè của SàiGòn nắng chói chang, từ chỗ xe
lam thả tôi xuống, đi vào được đến nhà Oanh cũng khá xa. Tôi nhớ có mấy lần đi
lạc vì mấy dẫy cư xá nhà nào nhà nấy cũng giống nhau, khó mà nhận diện. Khi tìm
đuợc đúng nhà Oanh thì vừa khát vừa mệt vì nắng. Oanh pha ly nuớc chanh tuơi
cho tôi uống, rồi hai đứa ra cái ghế gỗ dài kê trước hiên nhà rù rì tâm sự.
Không hiểu chúng tôi đã nói những chuyện gì ngày đó, nhưng chắc chắn không phải
chuyện bồ bịch, bởi vì với sự kiểm soát gắt gao của gia đình và học đuờng, năm
đệ tam và đệ nhị, chúng tôi vẫn chưa có bạn trai, mặc dù các chàng CVA hay các
sinh viên của mấy phân khoa đại học vẫn ngấm nghé. Sau này quen biết cũng chỉ là những lần gặp
gỡ tại nhà, ngồi nói chuyện có đủ gia đình ngồi gần đó…. nghe ké!
###################
11.
Trong tôi, hình ảnh ngôi nhà Oanh ở trong khu xá Ngã
Tư Bảy Hiền vẫn còn hiện rõ, truớc nhà có một cây trứng cá đã già, nhưng vẫn
còn đủ sức cho những tàng lá lớn che bóng mát. Vào mùa trái chín, những quả
trứng cá đỏ mọng, mùi thơm phức. Khi thấy chúng tôi ngước nhìn chúng một cách
ao ước , anh Giám đã chịu khó bắc ghế để hái cho chúng tôi một vốc tay đầy
trái. Loại trái cây này để ngửi thì thơm, nhưng nếu ăn thì không thích, cho nên
khi có nó, bọn tôi chỉ hít hà ngửi mà thôi.
12.
Một kỷ niệm nữa về anh Giám mà tôi còn nhớ rất rõ, đó
là năm đệ tứ, khi hai đứa đậu bằng trung học đệ nhất cấp, anh dù còn là sinh
viên, với số tiền học bổng của đại học, anh cũng bớt ra để thưởng cho hai đứa
chúng tôi. Oanh bàn là lấy tiền đi mua
vải len, hay vảI dạ để may thêm aó lạnh diện mùa đông sắp tới. Hai đứa rủ nhau
may chung kiểu aó và cùng mầu cho vui. Chúng tôi ra chợ Hoà Hưng, lượn tới,
lượn lui ở dãy hàng vải đã mấy lượt. Tính tới tính lui, mua len, thì cả hai đều
không biết đan, mua hàng nỉ, thì thứ
hàng vải đó chỉ có ba mầu: xanh blue đậm, giống mầu xanh như mầu áo mấy
anh thợ máy, rồi mầu đen Mầu duy nhất
còn lại, coi đuợc hơn hai mầu kia là mầu vàng… chanh !!! Thôi thì đành nhắm mắt
đưa chân! Thế là giữa mấy anh mù xanh và
đen kia, đành chọn anh chột là mầu vàng này vậy! Mặc dù tôi vẫn mê mầu vàng hoàng hậu, tức là
mầu vàng ngả qua mầu cam chút xíu, nhưng làm sao đuợc. Không biết đan, thì đành
mua vải thôi, rồi về nhờ chị tôi biết may, sẽ may dùm cho hai đứa.
Thế là mùa lạnh năm đệ tam đó ở truờng, hai đứa chúng
tôi với hai aó lạnh mầu vàng, vàng choé cả một góc sân truờng! Vì giờ ra chơi nào, hai đứa cũng tìm nhau để
đi bách bộ trong sân, khoác tay nhau vừa đi vừa trò chuyện. Ngày nào như ngày nấy, cứ như cặp bài trùng!
Cả truờng chỉ có hai cái áo khoác mầu vàng đặc biệt đó vì “custom made”! Bây
giờ nhớ lại vẫn thấy vui và tiếc là sao ngày đó đã không có được một tấm hình
chụp hai đứa với cái aó khoác vàng chóe
ấy.
Việc anh Giám đã chia xẻ số tiền học bổng nhỏ nhoi đó
của cái thời đi học, đã là một sự hy sinh và lòng quý mến thân tình mà anh đã
dành cho em gái, và bạn của em, khiến tôi vẫn nhớ mãi mãi, như một kỷ niệm qúy
báu cất giữ ở một góc đời chả bao giờ quên. Bây giờ anh đã ra đi vĩnh viễn, tôi
chưa kịp một lần được trò chuyện với anh như anh “Ngoan Ðồng” đã làm, cũng chưa
kịp một lần gửi email thăm hỏi. Anh đã “đi” mất rồi, anh đã xa chúng tôi vĩnh
viễn…., nhưng những kỷ niệm về anh vẫn còn sống mãi mãi trong tiềm thức những người yêu quý anh
. Hôm nay anh đã nằm yên dưới lòng đất
lạnh? Hay giờ này gia đình và thân nhân còn đang sụt sùi bên quan tài anh trong
nhà quàn?
Ðêm nay, là ngày cuối năm, tiếng pháo nổ rền vang
trong đêm giao thừa của tết Dương Lịch, hình như tôi nghe đuợc tiếng khóc của
bạn mình xen tiếng pháo? Tôi cũng chợt
nhận ra đó là tiếng khóc của chính mình.
Hương Kiều Loan
(Dec 31/2003)
Kim Oanh va Hoang Dung ( hop
TV --Texas-March 2005)